Hotline mua hàng 0911116666
Tin tức
Tin tức

Anh Đỗ Đức Đôn với “nhiều lần mất ăn mất ngủ” ở KLH Hải Dương

Là một trong những người đi tiên phong trong giai đoạn triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương, anh Đỗ Đức Đôn – Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương đã cùng tập thể CBCNV công ty trải qua hơn 10 năm đáng nhớ. Với anh để đạt được thành công như ngày hôm nay những người làm thép Hòa Phát luôn thể hiện sự nhiệt huyết, kiên trì, không ngại khó, không ngại khổ và luôn tiến về phía trước. HPG News đã có cuộc trò chuyện với anh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.

Anh Đỗ Đức Đôn với “nhiều lần mất ăn mất ngủ” ở KLH Hải Dương

Từ chàng sinh viên Bách khoa tới PGĐ Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương

Anh gia nhập Hòa Phát khi nào? Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm khi gắn bó với Thép Hòa Phát Hải Dương?

Tốt nghiệp kỹ sư Gia công áp lực của đại học Bách khoa Hà Nội, ra trường năm 1995 anh về làm ở TCT Thép Việt Nam, đến 2007 khi Hòa Phát triển khai dự án KLH Hải Dương, anh quyết định bỏ Nhà nước về đầu quân cho Hòa Phát.

Hơn 10 năm gắn bó với Thép Hòa Phát Hải Dương là khoảng thời gian không thể nào quên. Thời kỳ đầu xây dựng khu liên hợp khá vất vả, xã Hiệp Sơn khi ấy là còn là vùng đồng không mông quạnh, công trường xây dựng ngổn ngang trăm bề. Lúc đó, khó khăn lớn nhất là anh em kỹ thuật chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành một dự án lớn đồng bộ với công nghệ mới mẻ đối với cả ngành thép Việt Nam nói chung chứ không chỉ riêng đối với Hòa Phát. Nhưng bằng sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết nên mọi người cũng vượt qua mọi áp lực. Thuận lợi lớn chính là hầu hết đội ngũ cán bộ chủ chốt của dự án đều là những cán bộ được trưởng thành từ môi trường làm việc của Tập đoàn nên anh em rất hiểu cách làm việc của nhau và đặc biệt là rất hiểu văn hóa làm việc của Hòa Phát: đoàn kết, quyết liệt, không ngại khó khăn, vất vả, làm ra làm. Bên cạnh đó là sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Chủ tịch, TGĐ Tập đoàn và Ban GĐ công ty với những quyết sách đúng đắn trong suốt quá trình hoạt động, Hòa Phát dồn toàn tâm toàn lực để xây dựng dự án nên KLH đã có được những nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Em và độc giả rất tò mò muốn biết anh làm gì ở Khu liên hợp sản xuất thép có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam thời kỳ đó?

Có kinh nghiệm làm cán thép nên ban đầu anh được giao nhiệm vụ Giám đốc Nhà máy Cán của KLH, đến 2009, BGĐ phân công anh phụ trách Trưởng phòng Thiết bị cơ của công ty. Đang quen điều hành quản lý sản xuất chuyển sang quản lý kỹ thuật thiết bị cũng chưa quen, nhưng mình còn trẻ cần phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách mới trưởng thành được và sau 1 thời gian cũng khẳng định và có những thành công được ghi nhận. Tiếp đó anh tham gia Ban dự án giai đoạn 2 (lò cao 2) và năm 2012 thì làm PGĐ phụ trách sản xuất Công ty Năng lượng Hòa Phát. Anh học cán thép nên với anh sản xuất than coke, nhiệt điện là lĩnh vực hoàn toàn mới, thời gian đầu anh “ăn không ngon, ngủ không yên”, anh Dương – Tổng giám đốc Tập đoàn cứ động viên mãi để nhận nhiệm vụ. Rất may là sau 2 năm, bộ máy quản lý, thiết bị vận hành máy móc rất trơn tru, tình hình sản xuất của Công ty phát triển ổn định và được duy trì đến nay.

Đầu năm 2017, Hòa Phát hợp nhất bộ máy điều hành của 2 công ty Thép và Năng lượng làm một và chuẩn bị nhân lực cho dự án Thép Dung Quất, anh được ban lãnh đạo giao trọng trách mới – PGĐ phụ trách sản xuất Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương.

Từ PGĐ công ty năng lượng quy mô chỉ hơn một nhà máy của KLH chuyển sang quản lý cả công ty lớn gấp gần chục lần, anh lại thêm một lần nữa “mất ăn mất ngủ” vì giai đoạn 2012-2017 tốc độ phát triển, cải tạo của KLH rất mạnh mẽ, nhiều vấn đề cần tìm hiểu, nắm bắt.

Bên cạnh đó gần như toàn bộ các vị trí chủ chốt của Dự án Thép Dung Quất đều được rút ra từ Ban lãnh đạo thép Hải Dương. Ban Giám đốc khi đó 1 nửa là từ Công ty Năng lượng trong đó có anh tiếp quản công việc của những người tiền nhiệm. Bản thân anh và các anh chị em trong Ban GĐ vừa phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn, lo ổn định nhân sự, vừa ổn định sản xuất và tham gia hỗ trợ dự án Dung Quất. Cùng với sự nỗ lực của Ban GĐ và sự đoàn kết của toàn thể CBCNV 2 công ty, tình hình sản xuất của KLH phát triển, các hạng mục cải tạo, sửa chữa hoàn thành đúng tiến độ. Qua đó, thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược của lãnh đạo Tập đoàn và sự chuẩn bị có chiều sâu của Ban GĐ công ty cũ đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận rất hoàn thiện mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Hiện nay qua một năm rưỡi, tình hình sản xuất của công ty phát triển ổn định đạt kết quả tốt. Đây không chỉ là công lao của mỗi cá nhân mà của tất cả mọi người và cũng là niềm vui chung của toàn công ty.

 

Luôn tiến về phía trước

Xét về định lượng, KLH đã thay đổi rất nhiều so với 2009 – thời điểm hoàn thành giai đoạn 1. Số CBCNV tăng hàng chục lần, sản lượng cũng ngày càng nâng cao, từ 350.000 tấn đã tăng lên xấp xỉ 2tr tấn/năm sau khi cải tạo xong giai đoạn 2. Thời gian tới, Công ty sẽ tổ chức sản xuất thế nào để ngày càng hoàn thiện hiệu quả hơn?

Thực sự cảm thấy rất tự hào vì khoảng thời gian 11 năm đối với sự hình thành và phát triển của một doanh nghiệp không phải là dài nhưng Công ty đã có những bước phát triển vượt bậc và đã trở thành công ty thép hàng đầu Việt Nam. Càng ấn tượng hơn khi mà chỉ với 11 năm phát triển và đi lên từ con số không, đến nay đội ngũ quản lý và kỹ thuật của Thép Hòa Phát nói chung rất tự tin làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới và đang trên đường xây dựng Thép Hòa Phát trở thành 1 trong 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới như chiến lược đề ra của lãnh đạo Tập đoàn.

Thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ càng tăng lên. Mặc dù Hòa Phát có nhiều lợi thế về thiết bị, công nghệ hiện đại nhưng Ban GĐ công ty cũng xác định ngay từ bây giờ sẽ phải từng bước kiện toàn bộ máy, sắp xếp lao động một cách phù hợp cho hiệu quả hơn. Áp dụng các giải pháp cải tạo, cải tiến thiết bị, công nghệ, tự động hóa và tin học hóa trong quá trình sản xuất và quản lý nhằm giảm sức lao động, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường. Ngoài ra, công ty cũng đang đi sâu vào nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao như thép que hàn, thép dự ứng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.

9 tháng, Thép Hòa Phát Hải Dương đã sản xuất được sản lượng bao nhiêu tấn phôi, thép thành phẩm? Dự kiến, đến cuối năm sản lượng sẽ đạt khoảng bao nhiêu tấn?

Đến nay sau 9 tháng, sản lượng phôi thép của công ty đạt 1,42 triệu tấn, thép thành phẩm là 1,41 triệu tấn. Mục tiêu của Ban GĐ công ty đưa ra sản lượng phôi thép năm 2018 sẽ đạt 1,95 triệu tấn và thép thành phẩm ước đạt 1,9 triệu tấn.

Việc nghiên cứu đầu tư nâng cao năng suất giảm chi phí sản xuất và phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại công ty được quan tâm ra sao?

Công ty thường xuyên đề ra kế hoạch cải tiến, nâng cấp thiết bị, thực hiện nghiên cứu đầu tư nâng cao năng suất giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, phong trào cải tiến kỹ thuật cũng được duy trì và đẩy mạnh. Công ty đã xây dựng hệ thống văn bản, quy chế sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong quá trình hoạt động sản xuất, CBCNV có sáng kiến, ý tưởng khả thi sẽ đăng ký vào biểu mẫu theo quy trình. Trên cơ sở xem xét, BGĐ nhà máy, BGĐ công ty sẽ tạo điều kiện cho CBNV thực hiện, định kỳ 6 tháng một lần, công ty sẽ tổng hợp đăng ký sáng kiến của các bộ phận để xét duyệt.

Với tư cách thành viên hội đồng xét duyệt, anh đánh giá thế nào về các sáng kiến cải tiến sáng tạo của công ty?

6 tháng đầu năm, Công ty thép Hòa Phát Hải Dương có 12 sáng kiến cải tiến, trong đó có những sáng kiến góp phần làm lợi cho công ty hàng trăm tỷ đồng góp phần tăng năng suất, giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm năng lượng. Khi xét duyệt những sáng kiến này, anh nghĩ Hòa Phát Hải Dương có những CBCNV thật tài giỏi. Đáng chú ý là Phòng Công nghệ với sáng kiến sử dụng bổ sung hợp chất SiO2 cho nguyên liệu quặng thiêu kết đem lại lợi ích kinh tế lớn, tiết kiệm cho công ty 144 tỷ đồng/năm.